Di sản
Vẻ đẹp của 5 di tích của Hải Phòng thuộc Quần thể di tích và danh thắng vừa được công nhận là Di sản thế giới
14/07/2025 10:30:00

Trong 12 điểm di tích thuộc Quần thể di tích và danh thắng vừa được UNESCO công nhận là Di sản thế giới, thành phố Hải Phòng có 05 điểm, gồm: chùa Côn Sơn, đền Kiếp Bạc, chùa Thanh Mai, động Kính Chủ và chùa Nhẫm Dương.

Ngày 12/7 vừa qua, trong Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới đã chính thức công nhận Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản thế giới.

Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc nằm trên địa bàn 03 tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh với 12 điểm di tích. Riêng thành phố Hải Phòng có 05 điểm, gồm: chùa Côn Sơn, đền Kiếp Bạc, chùa Thanh Mai, động Kính Chủ và chùa Nhẫm Dương.

 
Chùa Côn Sơn 
 

Chùa Côn Sơn (tên chữ Côn Sơn Thiên Tư Phúc tự, tục gọi là chùa Hun), nằm trên địa bàn phường Trần Hưng Đạo, thành phố Hải Phòng được khởi dựng từ thời Đinh - Tiền Lê (thế kỷ 10 -11). Thời Trần, chùa là một trong ba trung tâm nổi tiếng nhất của Phật giáo Trúc Lâm.

 
Vẻ đẹp yên bình của chùa Côn Sơn 
 

Chùa Côn Sơn còn lưu giữ được nhiều dấu ấn kiến trúc các thế kỷ 14, 17-19 cùng nhiều cổ vật. Trong đó, bia “Thanh Hư Động” - bút tích của vua Trần Nghệ Tông, tạo tác niên hiệu Long Khánh (1372-1377), bia “Côn Sơn Tư Phúc tự bi” tạo tác năm Hoằng Định thứ 8 (1607) và bộ tượng Tam Thế Phật (thế kỷ 17) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia.

 
 
Bia "Côn Sơn Tư Phúc tự bi" là Bảo vật quốc gia
 

Chùa Côn Sơn còn một số đền thờ các danh nhân văn hóa như Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Đán, cùng với Bàn Cờ Tiên, suối Côn Sơn, Ngũ Nhạc linh từ... hợp thành một quần thể di tích, danh thắng nổi tiếng.

 
 
Đền thờ Nguyễn Trãi 
 

Lễ hội chùa Côn Sơn, được tổ chức trong các ngày 16 - 23 tháng Giêng (Âm lịch) để tưởng niệm ngày viên tịch của Đệ Tam Tổ Huyền Quang tôn giả, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

 
 
Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc 
 

Đền Kiếp Bạc nằm trên địa bàn phường Trần Hưng Đạo, thành phố Hải Phòng, thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (1228-1300) - anh hùng dân tộc, thiên tài quân sự, một trong những danh nhân lịch sử được người Việt tôn làm Thánh. Hệ thống các công trình kiến trúc của ngôi đền được tu bổ nhiều lần qua các thời Trần, Lê Sơ, Mạc, Lê Trung Hưng. Thời Nguyễn, việc trùng tu diễn ra liên tục và đều được văn bia tại đền ghi lại, phần lớn còn nguyên gốc, được xây dựng tuân thủ nguyên tắc âm dương, ngũ hành.

 
Đền Kiếp Bạc 
 

Tại đền Kiếp Bạc ngày nay, nhân dân trong vùng vẫn giữ gìn nguyên vẹn ngày giỗ và mở lễ hội vào tháng 9 Âm lịch hàng năm với nhiều hoạt động tôn vinh Đức Thánh Trần. Năm 2012, Lễ hội đền Kiếp Bạc đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc 
 

Chùa Thanh Mai nằm trên địa bàn phường Trần Nhân Tông, thành phố Hải Phòng được khởi dựng dưới thời Trần trên núi Phật Tích (còn gọi là núi Tam Ban), sau được Thiền sư Pháp Loa mở rộng vào khoảng năm 1329, từ đó trở thành một đại danh lam gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Ngài cũng như vị Đệ Tam Tổ kế tiếp là Thiền sư Huyền Quang.

Phía sau chùa Thanh Mai hiện nay có đường mòn dẫn lên đỉnh núi Phật Tích, trên có dấu tích của một số di tích cổ khác, được gọi là Thanh Mai 2, 3, 4... Đặc biệt, ngày nay chùa Thanh Mai còn là điểm du lịch nổi tiếng với vẻ đẹp độc đáo của tán rừng phong. 
 
 
Chùa Thanh Mai 
 

Bia “Thanh Mai Viên Thông tháp bi” thuộc chùa Thanh Mai ghi chép lại toàn bộ lịch sử Phật giáo Trúc Lâm, được Đệ tam Tổ Huyền Quang hiệu đính, khắc năm 1362, được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2016 cho biết Thiền sư Pháp Loa là người xây dựng, trụ trì, mở mang phong cảnh, đúc tượng Quan Âm, đào tạo tăng đồ.

 
Bia "Thanh Mai Viên Thông tháp bi" là Bảo vật quốc gia
 

Chùa Nhẫm Dương nằm trên địa bàn phường Nhị Chiểu, thành phố Hải Phòng, được khởi dựng thời Trần với tên gọi Thánh Quang tự, thuộc Thiền phái Trúc Lâm, từ thế kỷ 17 chùa trở thành chốn tổ phái Tào Động Việt Nam do Thiền sư Thủy Nguyệt trụ trì.

 
 
Chùa Nhẫm Dương 
 

Chùa Nhẫm Dương gồm có Phật điện, nhà Tổ, các hang Tĩnh Niệm và Thánh Hóa, hai ngôi mộ tháp của Đệ Nhất Tổ Thủy Nguyệt thiền(Viên Quang Bảo Tháp, 1704) và Đệ Nhị Tổ Tông Diễn thiền(Diệu Quang Bảo Tháp, 1709).

Nổi bật nhất trong số các hang động ở chùa Nhẫm Dương là động Thánh Hóa, nơi Đệ Nhất Tổ Thủy Nguyệt viên tịch. Đây cũng là nơi có tầng văn hóa cổ sinh - khảo cổ học dày tới 4m, trong đó đã tìm thấy xương răng của nhiều giống loài động vật cổ sinh như tê giác, voi châu Á, nai, lợn rừng, nhím, gấu..., đặc biệt là đười ươi (Pongo) có niên đại 3-5 vạn năm.

 
 
Động Thánh Hóa 
 

Động Kính Chủ nằm trên núi Dương Nham, thuộc thôn Dương Nham, phường Phạm Sư Mạnh, thành phố Hải Phòng. Vua Lý Thần Tông (1116-1138) khi đến thăm động đã ban tặng hai chữ “Kính Chủ”, từ đó mà thành tên. Động được người xưa xưng tụng là “Nam Thiên đệ lục động”.

 
Động Kính Chủ 
 

Đặc biệt, trên các vách đá và trần hang còn có một hệ thống trên 50 bia ma nhai của các danh nhân văn hoá lớn của Việt Nam các thời kỳ, được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2017.

 P.V (Tổng hợp)

Về Trang Chủ
TRUNG TÂM VĂN HÓA, ĐIỆN ẢNH VÀ TRIỂN LÃM TP HẢI PHÒNG
Địa chỉ : Số 8 Đường Hồng Quang, phường Hải Dương, thành phố Hải Phòng
Điện thoại : (0220).3856689, (0220).3856988 - Email: tapchivhttdlhd@gmail.com    
Trưởng Ban biên tập: Ông Nguyễn Minh Đức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Đăng nhập
Số lượt truy cập
Đang truy cập: 21
Hôm nay: 38
Tháng này: 4,719
Tất cả: 132,771