Di tích và Lễ hội
Chùa Trông khai hội
17/04/2025 02:52:00

Ngày 17/4, UBND xã Hưng Long, huyện Ninh Giang tổ chức khai hội truyền thống chùa Trông năm 2025 nhằm tưởng niệm 884 năm hóa nhật Thiền sư Nguyễn Minh Không.


Đại biểu, tăng ni và Nhân dân dâng hương khai hội.

Lễ hội truyền thống chùa Trông năm 2025 là một trong những lễ hội lớn trong tỉnh với thời gian tổ chức kéo dài từ ngày 12/4 – 28/4 (tức 15/3-1/4 Âm lịch) với nhiều nghi lễ truyền thống độc đáo được tổ chức như: Lễ rước nước, Lễ rước xuất Đông - nhập Tây và lễ tế Thánh về trời. Ngoài ra, Ban tổ chức còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian như: bịt mắt bắt vịt, cờ tướng, kéo co, bắt chạch trong chum…

Trong ngày khai hội, tức 17/4, sau khi tổ chức lễ dâng hương khai hội, Lễ rước xuất Đông - nhập Tây được tổ chức với quy mô hoành tráng, được xem là nghi thức quan trọng nhất trong lễ hội chùa Trông, thu hút đông đảo Nhân dân và du khách tham gia.


Lễ rước xuất Đông - nhập Tây là nét đẹp truyền thống độc đáo của Lễ hội chùa Trông.

Ngay từ sáng sớm, đoàn rước kiệu cùng đông đảo Nhân dân, du khách thập phương đi theo đường "Nghênh thần" từ cổng bên phải (cổng phía Đông) qua địa phận thôn Hào Khê, đi qua đống Tam Viên (nơi Ngài hoá Thánh về trời) rồi quay trở về thôn Hán Lý và rước vào cổng bên trái (cổng Tây). Những người tham gia rước kiệu đều phải thực hiện những quy định khắt khe từ trang phục đến việc chay tịnh trước khi diễn ra lễ rước (Những quy định này được xây dựng thành điều khoản trong hương ước xưa của làng, đến nay không thay đổi). Đoàn rước hàng trăm người với trang phục, cờ hội đủ màu sắc tạo nên vẻ đẹp ấn tượng cho du khách khi tham gia.


 Màn kiệu bay trong lễ rước xuất Đông - nhập Tây.

Chùa Trông tọa lạc tại xã Hưng Long, huyện Ninh Giang. Theo cứ liệu lịch sử, chùa được xây dựng vào thời Lý (1010-1225) gắn với tên tuổi Thiền sư Nguyễn Minh Không, là một trong những cao tăng có công chữa bệnh cho vua Lý Thần Tông. Không những vậy, ngài còn là người có công kiến tạo nên An Nam tứ đại khí, là những báu vật bằng đồng nổi tiếng của nước Đại Việt thời Lý - Trần gồm tượng chùa Quỳnh Lâm (Đông Triều), vạc chùa Phổ Minh (Nam Định), tháp Báo Thiên và chuông Quy Điền (Hà Nội), nên được Nhân dân tôn là Sư tổ nghề đúc đồng Việt Nam. Do có công lớn với đất nước nên Ngài được vua phong là Quốc sư, được Nhân dân suy tôn là Thánh. Chùa Trông được chính thiền sư cắm hướng xây dựng để thờ Phật và tu hành ngay tại quê hương phụ mẫu của Ngài. Sau khi Ngài viên tịch và hoá Thánh về trời tại đống Tam viên sau chùa năm 1141, vua Lý Anh Tông liền sắc chỉ cho tăng ni và Nhân dân lập đền thờ Ngài ngay tại chùa để thờ phụng và tôn vinh công lao của ngài với đất nước, dân tộc. Chính vì vậy, di tích được quy hoạch xây dựng theo lối kiến trúc "Tiền Phật, hậu Thánh".


Lễ rước thu hút đông đảo Nhân dân và du khách cùng tham dự.

Theo dòng thời gian và biến động xã hội, đến nay chùa Trông vẫn giữ được đường nét kiến trúc nghệ thuật độc đáo và tinh tế, từ Tam quan, nhà Mẫu, nhà Tăng đến đền thờ Minh Không Thiền sư, các bức tượng Phật, các hoạ tiết, trang trí, bia ký đều do bàn tay những nghệ nhân tài giỏi qua nhiều thế hệ tạo dựng. Qua nhiều thế kỷ, những hiện vật trong di tích vẫn rất sống động với nghệ thuật điêu khắc bậc thầy. Với giá trị nghệ thuật và lịch sử, chùa Trông được Nhà nước xếp hạng "Di tích quốc gia" về kiến trúc nghệ thuật năm 2003.

      P.V
Về Trang Chủ
TRUNG TÂM VĂN HÓA NGHỆ THUẬT TỈNH HẢI DƯƠNG
Địa chỉ : Số 8 Đường Hồng Quang Thành phố Hải Dương 
Điện thoại : (0220).3856689, (0220).3856988 - Email: tapchivhttdlhd@gmail.com    
Trưởng Ban biên tập: Ông Nguyễn Minh Đức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Đăng nhập
Số lượt truy cập
Đang truy cập: 198
Hôm nay: 422
Tháng này: 7,968
Tất cả: 116,270