Di sản
Triển khai thăm dò, khảo cổ di tích Thành Dền
02/04/2025 03:26:00

Việc khảo cổ sẽ góp phần làm sáng tỏ vị trí của Thành Dền, được cho là Trung tâm hành chính của Hải Dương xưa.

 

Ông Nguyễn Thành Trung, TUV, Giám đốc Sở VHTTDL phát biểu tại hội nghị 
 
Ngày 02/4, tại UBND xã Ngọc Sơn, TP Hải Dương, Bảo tàng tỉnh Hải Dương tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch thăm dò khảo cổ di tích Thành Dền, thôn Ngọc Lặc, xã Ngọc Sơn, TP Hải Dương.

Tham dự có ông Nguyễn Thành Trung, TUV, Giám đốc Sở VHTTDL; bà Đặng Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Dương.

Theo kết quả điền dã, khảo sát của Bảo tàng tỉnh, cuối tháng 12/2024, Nhân dân địa phương thôn Ngọc Lặc, xã Ngọc Sơn, TP Hải Dương trong quá trình canh tác sản xuất đã xuất lộ nhiều mảnh gạch, ngói, đồ gốm cổ, một số có hoa văn dạng ô trám, văn thừng và dấu vải… tại khu vực di tích Thành Dền đã thông báo cho Bảo tàng tỉnh.

 
Phát hiện nhiều mảnh di vật gốm tại vị trí thăm dò, khảo cổ 
 

Ngày 11/2, Đoàn nghiên cứu khảo sát gồm đại diện Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã Hội Việt Nam), Bảo tàng tỉnh, phòng VHKHTT TP Hải Dương, UBND xã Ngọc Sơn đã tiến hành khảo sát xung quanh khu vực Thành Dền, thôn Ngọc Lặc, xã Ngọc Sơn.

Kết quả, tại khu vực Giám Soi, đoàn đã thu được 53 hiện vật tiêu biểu gồm mảnh vật liệu kiến trúc và đồ dùng sinh hoạt bằng đất nung. Tại khu vực miếu Ngọc sơn, qua khảo sát thấy các gò, đồng, lùm đất cao hơn khu vực xung quanh. Nhận định bước đầu khả năng là mộ Hán, trên bề mặt xuất lộ vài mảnh gạch thời Hán. Ở khu Đống Dền (phường Tân Hưng), theo tương truyền đây từng là nơi đóng quân của triều đình, từ đây sang đền Ngọc Sơn có cây cầu bắc qua sông Câu (gọi là cầu Hàm Rồng hoặc cầu Dền). Khu vực Gò Đống Da (phường Tân Hưng) phát hiện một số gạch ngói, đồ dùng sinh hoạt thế kỷ I-III; mảnh miệng lon sành và đế men thời Lê Sơ, mảnh gốm men thời Nguyễn…

Dựa trên kết quả nghiên cứu tư liệu; điền dã, khảo sát thực địa và nghiên cứu đặc điểm, chất liệu, màu sắc và họa tiết hoa văn các hiện vật tại hiện trường, bước đầu xác định các di vật có niên đại kéo dài từ thế kỷ I-III đến thế kỷ XIX-XX.

Sự xuất hiện với số lượng lớn của gạch, ngói cho thấy khu vực Giám Soi có nhiều khả năng từng tồn tại những công trình kiến trúc quan trọng, được xây dựng kiên cố với phần mái được lợp bằng ngói đất nung. Nhưng cũng không loại trừ khả năng đây là khu vực sản xuất vật liệu kiến trúc giai đoạn I-III. Hiện vật nằm rải rác ở khắp nơi quanh khu vực khảo sát cho thấy quy mô khá lớn của di tích. Diện tích ước tính ban đầu khoảng 1 km2.

Mặc dù tìm thấy rất nhiều hiện vật trên bề mặt di tích, đặc biệt là lớp ken dày di vật, nhưng với tư liệu hiện nay vẫn chưa thể xác định được tính chất, loại hình của di tích, độ sâu và độ dày tầng văn hóa, quy mô và kiến trúc… Di tích đang được gọi là “Thành Dền” là tên gọi đơn thuần hay liên quan tới kiến trúc thành quách trong lịch sử là vấn đề quan trọng cần nghiên cứu và khai quật.

Qua đó, tại cuộc họp, Bảo tàng tỉnh đề xuất với lãnh đạo Sở VHTTDL và các cấp ngành cho phép Bảo tàng tỉnh tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức khai quật, thăm dò tại 4 hố khảo cổ trên diện tích khoảng 20m2. Từ đó có thể trả lời phần nào các câu hỏi và là tư liệu quan trọng để tìm hiểu lịch sử của vùng đất, tính chất di tích, quá trình định cư, sinh sống của con người ở khu vực này và là tiền đề cho các cuộc khảo cổ trên quy mô rộng.

Ông Nguyễn Thành Trung, TUV, Giám đốc Sở VHTTDL cho rằng: Thông qua việc khai quật dấu tích liên quan đến di tích Thành Dền sẽ cung cấp các thông tin khoa học chân thực và khách quan, nhằm đánh giá tổng thể về lịch sử hình thành, phát triển, quy mô di tích, từ đó có thể đề xuất các phương án bảo tồn, nghiên cứu và phát huy giá trị di tích.

Giám đốc Sở VHTTDL cũng đề nghị UBND thành phố Hải Dương, xã Ngọc Sơn tạo điều kiện cho cán bộ Bảo tàng tỉnh và các chuyên gia triển khai thực hiện kế hoạch khảo sát được thuận lợi, nhằm đạt được những kết quả giá trị khảo cổ như kì vọng. Đồng thời đề nghị Bảo tàng tỉnh tập trung phối hợp với các chuyên gia khảo cổ để việc thực hiện đạt kết quả tốt nhất.

Kết quả nghiên cứu qua tư liệu lịch sử như: sách Địa chí Hải Dương tập 1, trang 10 có viết “Trong suốt thời gian từ thời Hùng Vương, qua thời kỳ Bắc thuộc, đến cuối triều Trần, lỵ sở của Bộ Dương Tuyền, Hồng Châu, Lộ Hải Đông đặt tại Thành Dền, địa phận thôn Ngọc Lặc, xã Ngọc Sơn, huyện Tứ Kỳ”;

Sách Địa chí thành phố Hải Dương tập 2, trang 196 viết: “…vào thời kỳ đầu dựng nước (từ 2897 – 258 trước Công Nguyên), các vua Hùng chia đất nước thành 15 bộ. Tỉnh Hải Dương hiện nay thuộc Bộ Dương Tuyền. Thủ phủ Bộ Dương Tuyền là Thành Dền, nay thuộc địa phận thôn Ngọc Lặc, xã Ngọc Sơn, huyện Tứ Kỳ, tiếp giáp với xã Tân Hưng, thuộc thành phố Hải Dương”…

P.V
Về Trang Chủ
TRUNG TÂM VĂN HÓA NGHỆ THUẬT TỈNH HẢI DƯƠNG
Địa chỉ : Số 8 Đường Hồng Quang Thành phố Hải Dương 
Điện thoại : (0220).3856689, (0220).3856988 - Email: tapchivhttdlhd@gmail.com    
Trưởng Ban biên tập: Ông Nguyễn Minh Đức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Đăng nhập
Số lượt truy cập
Đang truy cập: 23
Hôm nay: 49
Tháng này: 1,098
Tất cả: 109,400