Ngày 29/4, Bảo tàng tỉnh Hải Dương tổ chức Hội nghị báo cáo kết quả thăm dò khảo sát di tích Thành Dền thôn Ngọc Lặc, xã Ngọc Sơn, TP Hải Dương.
Tham dự Hội nghị có các ông: Nguyễn Thành Trung, TUV, Giám đốc Sở VHTTDL; TS Hà Văn Cẩn, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khảo cổ học; TS Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia; PGS TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ Việt Nam; đại diện Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL), chuyên gia nghiên cứu khảo cổ, lịch sử và một số ban, ngành liên quan.
Theo kết quả, sau một tháng triển khai thăm dò trong thời gian từ ngày 26/3 - 26/4/2025 trên diện tích khoảng 20m2 đã phát hiện hàng nghìn hiện vật. Cụ thể, có 2.670 hiện vật thời Đông Hán với các loại vật liệu kiến trúc, đinh sắt và gốm sinh hoạt; 199 hiện vật thời Đông Sơn bao gồm đồ gốm, đồ đá và hiện vật liên quan tới luyện kim đồng (mảnh đất cháy, xỉ đồng, gỉ đồng).
Đoàn tham quan địa điểm thăm dò khảo sát tại thôn Ngọc Lặc, xã Ngọc Sơn, TP Hải Dương.
Các nhà nghiên cứu, khảo cổ cho rằng căn cứ địa tầng của 4 hố khai quật lần này, có khả năng tại địa điểm Thành Dền có hai giai đoạn văn hóa kế tiếp nhau. Giai đoạn văn hóa sớm là lớp cư trú Đông Sơn với dấu tích để lại là các mảnh gốm thô và một số tàn tích liên quan đến đúc đồng và sử dụng đồ đồng. Giai đoạn văn hóa muộn là lớp Đông Hán với dấu tích của kiến trúc sử dụng gạch, ngói và đồ gia dụng là gốm men và gốm cứng văn in.
Các hiện vật tập trung đậm đặc với nhiều mảnh ngói ống và ngói bản, gốm cứng văn in và gốm men đều mang phong cách Đông Hán cũng phản ánh quá trình cư trú lâu dài và đông đúc. Một số đinh sắt phát hiện cùng với số lượng lớn ngói các loại bước đầu dự đoán có những công trình kiến trúc lớn ở khu vực này. Ngói phong phú về loại hình, đa dạng về hoa văn trang trí, kết hợp nhiều kỹ thuật tạo hình, tạo hoa văn khác nhau thể hiện trình độ cao trong việc sản xuất vật liệu kiến trúc.
Đồ dùng sinh hoạt đa dạng về chất liệu gồm: gốm men, gốm cứng và gốm đất nung. Các loại hình gốm men như âu, bát, bình… đều có hình dáng đẹp và cân đối; men mỏng và bóng; xương mịn và đanh chắc; độ nung cao nhưng không bị nổ men và méo mó hình dáng. Điều đó cũng thể hiện trình độ cao của người thợ thủ công làm gốm. Các loại gốm cứng và gốm đất nung càng phong phú về hình dáng và hoa văn trang trí, thậm trí nhiều hiện vật còn được kết hợp mấy loại hoa văn khác nhau. Đó là biểu hiện của sự tinh xảo trong kỹ thuật chế tác, của lối tư duy và thẩm mỹ rất cao.
Đại diện đoàn khảo sát, thạc sĩ Nguyễn Đức Bình, phòng Khảo cổ học Lịch sử - Viện Khảo cổ học báo cáo kết quả thăm dò khảo sát.
Những điều này cho phép bước đầu xác định Thành Dền là một trung tâm quần cư đông đúc, có vị thế nhất định thời kỳ Đông Hán. Và những di vật được tìm thấy qua đợt nghiên cứu vừa qua chỉ là một phần vô cùng nhỏ bé so với những gì còn đang ẩn chứa trong lòng đất Thành Dền - Ngọc Sơn.
Cách Thành Dền khoảng 20km về phía Nam là di tích Cúc Bồ được xác định là trị sở của một đơn vị cấp huyện thời Đông Hán. Di tích này án ngữ bên bờ bắc sông Luộc. Cả hai địa điểm Thành Dền và Cúc Bồ có chung đặc điểm là có lớp Đông Sơn muộn ở dưới lớp Đông Hán. Những đặc điểm tương đồng về tầng văn hóa cùng những di vật ngói, gốm men, gốm cứng văn in và ngói ống in chữ “Vạn tuế” giữa Thành Dền và Cúc Bồ càng khẳng định vị thế trọng yếu của vùng đất Hải Dương nằm giữa tứ giác nước hình thành bởi các các dòng sông Hồng, sông Thái Bình, sông Luộc, sông Đuống và ngay sát vùng biển đi lên Bắc vào Nam.
Ông Tăng Bá Hoành, Chủ tịch Hội Sử học tỉnh Hải Dương phát biểu tại Hội nghị.
Theo kết quả thăm dò khảo cổ lần này, các nhà nghiên cứu, khảo cổ đều cho rằng cần tiếp tục có những cuộc điều tra chuyên sâu, trên quy mô lớn kết hợp với việc thám sát, khai quật ở nhiều địa điểm khác nhau để xác minh phạm vi không gian, quy mô của di tích, tính chất quần cư có phòng ngự hay không. Mở rộng khai quật nhằm tìm kiếm các công trình kiến trúc đã được xây dựng thời Đông Hán. Mở rộng hố thăm dò và khai quật thêm ở các vị trí khác nhau nhằm làm rõ phạm vi phân bố của lớp văn hóa Đông Sơn, tìm kiếm dấu tích khu vực lò nung và chế tác đồ đồng… Đồng thời lập phương án bảo vệ, bảo tồn di tích, di vật tránh tình trạng di tích bị xâm hại hoặc phá hủy bởi xây dựng và canh tác của người dân. Tuyên truyền cho người dân hiểu về giá trị di sản để nâng cao ý thức bảo vệ, bảo tồn, lưu giữ tránh phá hủy di tích hoặc làm thất lạc di vật.
PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.
Ông Nguyễn Thành Trung, TUV, Giám đốc Sở VHTTDL cho rằng: Qua quá trình thăm dò, khảo sát đã thu được kết quả rất thành công dù mới chỉ trên diện tích nhỏ. Trong thời gian tới, mong các nhà khoa học, các chuyên gia từ kết quả thu được ban đầu này tiếp tục cho ý kiến gợi mở để ngành VHTTDL tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh để không chỉ dừng lại ở việc khảo cổ mà còn có thể phát huy giá trị văn hóa di sản của di tích gắn với phát triển du lịch, mang đến lợi ích cho tỉnh nhà.
Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Sở VHTTDL phát biểu tại Hội nghị.
P.V