Ngày 6/12/2024, UBND tỉnh Hải Dương ban hành Quyết định số 3259/QĐ-UBND về việc công nhận Khu du lịch cấp tỉnh đối với di tích Quốc gia đặc biệt Văn miếu Mao Điền. Với việc được công nhận là Khu du lịch cấp tỉnh, sẽ mở ra cơ hội lan tỏa mạnh mẽ những giá trị của di tích, đồng thời khai thác hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên du lịch của tỉnh Hải Dương. Đây là một trong 19 khu, điểm du lịch cấp tỉnh của tỉnh. Văn miếu thờ Khổng Tử và 8 vị đại khoa tiêu biểu cho các triều đại, các lĩnh vực khác nhau là người Hải Dương và những người có liên quan sâu sắc tới Hải Dương. Nơi đây không chỉ là một di tích lịch sử mà còn là điểm đến du lịch văn hóa tâm linh, là địa điểm khuyến học, khuyến tài của tỉnh Hải Dương.

Toàn cảnh Văn miếu Mao Điền.
Văn miếu Mao Điền, nằm ở xã Phúc Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, là nơi kế thừa của Văn miếu trấn Hải Dương xưa. Di tích được khởi dựng từ thế kỷ XV ở thôn Vĩnh Lại, xã Vĩnh Tuy, huyện Bình Giang đến thời vua Quang Trung (năm 1800) di tích được di chuyển về xã Mao Điền, huyện Cẩm Giàng sáp nhập với trường thi Hương trấn Hải Dương đặt tại Mao Điền trở thành trung tâm văn hóa lớn.
Khu du lịch Văn miếu Mao Điền có vị trí giao thông thuận lợi cách Hà Nội 42km, trung tâm TP Hải Dương 15km, ga Cẩm Giàng 8km. Nằm trên tuyến đường quốc lộ 5A (Hà Nội – Hải Phòng), thuận tiện cho các tuyến xe khách và xe buýt; cơ sở hạ tầng đảm bảo cho các đoàn khách lớn đến tham quan, chiêm bái như: bãi đỗ xe rộng hàng nghìn mét vuông, đảm bảo sức chứa các loại xe du lịch lớn; hệ thống điện, nước đầy đủ. Công tác hỗ trợ khách du lịch có hệ thống biển báo rõ ràng, tích hợp QR code giới thiệu di tích; xung quanh di tích có nhiều nhà hàng phong phú, phục vụ hàng nghìn khách/ngày, cùng với đó du khách có thể mua sắm tại các cửa hàng cung cấp sản phẩm địa phương. Công tác an ninh, vệ sinh môi trường bảo đảm, có hệ thống camera an ninh và bảo vệ trực 24/24, nhà vệ sinh theo tiêu chuẩn quốc gia, hệ thống thu gom và xử lý rác thải hợp lý, hệ thống phòng cháy chữa cháy được trang bị đầy đủ.

Trải nghiệm nấu cơm sĩ tử.
Theo Ban quản lý di tích huyện Cẩm Giàng, Năm 2024, Văn miếu Mao Điền đón khoảng 200 đoàn với hơn 32 vạn lượt khách, trong đó phần lớn là các đoàn học sinh phổ thông trong và ngoài tỉnh tới tham quan, trải nghiệm. Bình quân mỗi đoàn có từ 200 – 500 người, có một số đoàn từ 500 đến trên 1.000 người như: trường THCS Nguyễn Huy Tưởng, huyện Đông Anh, TP Hà Nội; trường THCS Bát Trang, huyện An Lão và trường THCS Tân Dương, TP Thủy Nguyên (TP Hải Phòng); trường THCS Tân Bình, TP Hải Dương; trường THCS Văn An, TP Chí Linh… Tính đến hết tháng 3/2025, di tích đón khoảng 50 đoàn với hơn 10 nghìn lượt khách.
Các em đến đây được cử hành nghi lễ dâng hương các danh nhân, nghe giới thiệu về lịch sử di tích, lịch sử danh nhân Khổng Tử và 8 vị đại khoa: Nhà giáo Chu Văn An - Danh nhân thế kỷ XIV, đại diện cho sự nghiệp giáo dục; Lưỡng Quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi - đại diện cho lĩnh vực ngoại giao; Nhập nội hành khiển, Tiến sĩ Phạm Sư Mệnh - đại diện cho văn chương và thơ phú; Đại danh y, Thiền sư Tuệ Tĩnh – đại diện cho lĩnh vực Y - Dược; Anh hùng dân tộc Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi - người đại diện cho lĩnh vự quân sự, chính trị, ngoại giao; Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm - đại diện cho lĩnh vực tiên tri; Thần toán Việt Nam, Tiến sĩ Vũ Hữu – người đại diện cho lĩnh vực Toán học; Nữ Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ - phụ nữ Việt Nam đầu tiên có học vị Tiến sĩ, người mang lại bình quyền và vì sự phồn vinh cho đất nước.

Người chiến thắng cuộc thi Trạng nguyên nhí “Vinh quy bái tổ”.
Bên cạnh đó các em còn được tham gia các hoạt động trải nghiệm như: trả lời các câu hỏi tìm hiều về lịch sử địa danh, lịch sử danh nhân thờ tại di tích; hóa thân thành các sĩ tử tham gia thi hương, thi hội; viết thư pháp; xem và tìm hiểu về 14 bia, trong đó 01 bia ghi tóm tắt lịch sử Văn miếu, truyền thống khoa cử Việt Nam và Hải Dương, ghi quá trình khắc dựng bia, 13 bia đề tên 644 Tiến sĩ người Hải Dương qua các thời kỳ... Phần trải nghiệm thú vị và sôi nổi nhất là các em được tham gia giải mã câu đố về địa danh, lịch sử, tên tuổi danh nhân và nhận quà từ Ban quản lý di tích (Phần quà là các sản phẩm du lịch của Văn miếu như: sách, bút, vở, chữ...). Cùng với đó các em được tương tác đặt câu hỏi cho thuyết minh viên để được giải đáp các thông tin mà các em có nhu cầu tìm hiểu. Sau khi giao lưu tương tác xong các em được trải nghiệm các hoạt động tìm hiểu về chế độ khoa cử tại khu lều chõng, đóng sĩ tử đi thi, nấu cơm sĩ tử, đọc sách danh nhân, các câu chuyện về các vị Tiến sĩ xưa đi thi, khi về vinh quy bái tổ, khi bổ nhiệm làm quan, trải nghiệm về lớp học thầy đồ xưa dậy như thế nào, cách học ra sao…
Theo bà Lê Thị Thoa, Phó trưởng Ban quản lý di tích huyện Cẩm Giàng cho biết: Trong những năm qua được sự quan tâm của Sở VHTTDL, UBND huyện Cẩm Giàng, di tích Văn miếu Mao Điền được đầu tư tu bổ, nâng cấp, mở rộng, tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm để thu hút khách du lịch, đặc biệt là các đoàn trường các cấp học trong và ngoài tỉnh. Trong không gian di tích các em được tìm hiểu về lịch sử, di sản văn hóa, các danh nhân được thờ tự… và trải nghiệm trường thi xưa. Những hoạt động này sẽ bổ trợ rất nhiều cho các em trong suốt quá trình học tập của mình. Di tích cũng được các thầy cô giáo đánh giá cao, ngoài hoạt động trải nghiệm ý nghĩa, không gian di tích cũng phù hợp cho một buổi trải nghiệm, vì các hoạt động đều nằm trọn trong khuôn viên của di tích, giúp cho việc quản lý các em cũng dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, sân bãi rộng rãi để được rất nhiều các loại xe ô-tô, giúp cho việc chuyên chở và di chuyển thuận tiện.

Đông đảo Nhân dân và du khách về dữ Lễ hội mùa Xuân Văn miếu Mao Điền năm 2025.
Thầy giáo Nguyễn Văn Kiên, giáo viên trường THCS Tân Bình (TP Hải Dương) cho biết: khi đưa học sinh tới Văn miếu chúng tôi rất hài lòng trước sự đón tiếp chu đáo của Ban quản lý di tích. Trong không gian của trường thi xưa các em được tìm hiểu về lịch sử khoa bảng Việt Nam qua các thời kỳ, được giải đáp những vấn đề lịch sử, văn hóa mà các em quan tâm. Đặc biệt, các em rất hào hứng khi được trải nghiệm cuộc sống của sĩ tử lều chõng đi thi. Đây là hoạt động ngoại khóa rất ý nghĩa với các em, giúp các em có ý thức hơn trong việc giữ gìn và bảo tồn giá trị di sản văn hóa của quê hương, dân tộc.
Với việc được công nhận là Khu du lịch cấp tỉnh, Văn miếu Mao Điền hứa hẹn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, trở thành điểm đến văn hóa, giáo dục quan trọng, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản, đồng thời thúc đẩy du lịch tâm linh, trải nghiệm tỉnh Hải Dương phát triển bền vững.
BG