Di tích và Lễ hội
Khai hội đền Bia năm 2025
26/04/2025 10:43:00

Sáng 27/4 (tức 30/3 Âm lịch), UBND huyện Cẩm Giàng tổ chức dâng hương, khai hội đền Bia, kỷ niệm 30 năm đền Bia được xếp hạng Di tích quốc gia (1995 – 2025) và nhận Quyết định của UBND tỉnh công nhận Cụm di tích quốc gia đặc biệt đền Xưa – chùa Giám – đền Bia là Khu du lịch cấp tỉnh.

Tới dự có các đồng chí: PGS TS Phạm Quốc Bình, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Học viện Y dược cổ truyền Việt Nam; Lê Thị Kim Chung, Chủ tịch HĐQT trường cao đẳng Y dược Tuệ Tĩnh (Hà Nội); PGS TS BS Hồ Bá Do, Phó Chủ tịch Hội Y học cổ truyền Việt Nam, kiêm Viện trưởng Viện nghiên cứu chăm sóc sức khỏe chủ động, Phó Chủ tịch Hội Nam y Việt Nam; Nguyễn Hữu Oanh, nguyên Phó trưởng Ban Tôn giáo Chính Phủ;  Nguyễn Thành Trung, TUV, Giám đốc Sở VHTTDL; Hội Đông y tỉnh Hải Dương, đại diện lãnh đạo các bệnh viện trên địa bàn tỉnh...; Ngô Quang Giáp, TUV, Bí thư Huyện ủy; Đoàn Đình Tuyến, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; các đồng chí trong Ban thường vụ Huyện ủy, lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị của huyện cùng đông đảo Nhân dân và du khách thập phương.


Đồng chí Nguyễn Thành Trung, TUV, Giám đốc Sở VHTTDL trao Quyết định của UBND tỉnh Hải Dương công nhận Cụm di tích quốc gia đặc biệt đền Xưa - chùa Giám - đền Bia là Khu du lịch cấp tỉnh và tặng hoa chúc mừng.

Đền Bia tọa lạc tại thôn Văn Thai, xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Đây là nơi thờ phụng Đại danh y, Thiền sư Tuệ Tĩnh và lưu giữ tấm bia khắc lời di nguyện thiêng liêng của Người.


Đồng chí Ngô Quang Giáp, TUV, Bí thư Huyện ủy Cẩm Giàng đánh trống khai hội.

Tuệ Tĩnh, tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh (1330 – 1400), sinh ra tại làng Xưa, tổng Văn Thai, phủ Thượng Hồng, nay là thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng. Mồ côi cha mẹ từ năm lên sáu tuổi, ông được sư trụ trì chùa Nghiêm Quang (Chùa Giám) nuôi dưỡng. Tuổi thơ gắn liền với cửa thiền đã hun đúc cho ông một tinh thần hiếu học vượt bậc. Năm 1351, ông đỗ Hoàng giáp nhưng từ chối bước vào chốn quan trường, chọn con đường y học để cứu giúp dân lành, mong muốn “chuyển họa vi phúc, khởi tử hoàn sinh”.


Cung tuyên văn tế Đại danh y, Thiền sư Tuệ Tĩnh.

Với tâm huyết và tài năng, Tuệ Tĩnh đã phát động phong trào trồng và sử dụng thuốc Nam, biến y học trở thành một phần trong đời sống thường nhật của người dân. Nhờ ông, nhiều gia đình có thể tự trồng thuốc và chữa các bệnh đơn giản.

Năm 55 tuổi, khi sự nghiệp đang độ nở rộ, ông bị triều đình nhà Trần cử sang nhà Minh (Trung Quốc) theo đoàn đi sứ. Tại đây, ông chữa khỏi bệnh cho Tống Vương Phi – vợ vua Minh, được phong làm Thái y Thiền sư và giữ lại làm việc ở Viện Thái y. Ông mất tại Giang Nam năm 1400. Dù xa quê hương, sự nghiệp và tư tưởng y học của ông vẫn được tiếp nối, đặc biệt là qua Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác vào thế kỷ XVII.


Đại biểu trung ương, Sở VHTTDL, huyện Cẩm Giàng dâng hương.

Gần 700 năm sau ngày ông qua đời, tại quê hương Cẩm Giàng, người dân vẫn tưởng nhớ và tri ân ông. Trong phạm vi chưa đầy 3 km² đã có tới ba nơi thờ tự: Đền Xưa ở thôn Nghĩa Phú (xã Cẩm Vũ), Chùa Giám (xã Định Sơn) và Đền Bia (xã Cẩm Văn). Ngày 25/12/2017, cụm di tích này được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 2082 của Thủ tướng Chính phủ.


Màn trống hội do Nhà hát chèo Hải Dương biểu diễn.

Đền Bia ngày nay không chỉ là nơi thờ tự Thiền sư Tuệ Tĩnh mà còn là di tích lịch sử – văn hóa mang ý nghĩa tinh thần, giáo dục và kết nối cộng đồng sâu sắc. Năm 1995, di tích được xếp hạng cấp Quốc gia. Đến năm 2005, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ Y tế cùng UBND tỉnh Hải Dương, đền Bia được trùng tu, tôn tạo quy mô lớn. Trong 20 năm qua, nơi đây đã đón nhận hàng chục tỷ đồng từ nguồn công đức của Nhân dân và du khách, trở thành một thiết chế văn hóa và trường học thực địa cho sinh viên ngành Y – Dược.

 
Giao lưu Thư pháp.

Đồng chí Nguyễn Văn Công, Phó Chủ tịch TT huyện Cẩm Giàng, Trưởng Ban tổ chức lễ hội cho biết: trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa luôn được Đảng bộ và Nhân dân huyện Cẩm Giàng đặc biệt coi trọng, trong đó có di tích đền Bia – nơi thờ Đại danh y, Thiền sư Tuệ Tĩnh. Đây là biểu tượng của sự trân trọng lịch sử, truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh y đức, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Cẩm Giàng luôn nỗ lực đưa di tích trở thành thiết chế giáo dục truyền thống về y đức, lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, nhằm phát huy nền y học cổ truyền một cách toàn diện. Cụm di tích Quốc gia đặc biệt gồm đền Xưa, chùa Giám, đền Bia – nơi gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Y tổ Tuệ Tĩnh – sẽ mãi là biểu tượng trường tồn của tri thức, văn hóa dân tộc và là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.


Tư vấn sức khỏe, tặng quà thuốc Nam.

Cũng tại buổi lễ, UBND tỉnh trao Quyết định công nhận Cụm di tích quốc gia đặc biệt đền Xưa – chùa Giám – đền Bia là Khu du lịch cấp tỉnh, đây cũng là điểm, khu du lịch cấp tỉnh thứ 20 của tỉnh Hải Dương.

Lễ hội đền Bia năm nay diễn ra trong 3 ngày từ 26 – 28 tháng 4 năm 2025 (tức từ 29/3 – 01/4 năm Ất Tỵ). Trong những ngày diễn ra lễ hội sẽ có các hoạt động tế lễ, dâng hương, trưng bày hoa lan, giao lưu thư pháp, bắt mạch tư vấn sức khỏe, phát thuốc Nam, giao lưu văn nghệ giữa thôn Văn Thai và đoàn quan họ Bắc Ninh, giải cờ tướng huyện Cẩm Giàng năm 2025, các trò chơi dân gian: đi cầu kiều, bắt vịt dưới hồ, kéo co...

 
 Gian trưng bày các sản phẩm OCOP huyện Cẩm Giàng.
      
       BG
Về Trang Chủ
TRUNG TÂM VĂN HÓA NGHỆ THUẬT TỈNH HẢI DƯƠNG
Địa chỉ : Số 8 Đường Hồng Quang Thành phố Hải Dương 
Điện thoại : (0220).3856689, (0220).3856988 - Email: tapchivhttdlhd@gmail.com    
Trưởng Ban biên tập: Ông Nguyễn Minh Đức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Đăng nhập
Số lượt truy cập
Đang truy cập: 3
Hôm nay: 11
Tháng này: 7,557
Tất cả: 115,859